Bình Dương xây dựng đô thị văn minh và thông minh

Ngày 15/12/2016, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Trước đó, ngày 1/12/2016 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện. Hai văn bản này tuy có nội dung khác nhau nhưng đều nhắm tới mục tiêu chung: làm cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, bắt kịp xu hướng của văn minh công nghệ. Nhưng làm sao để đạt được những mục tiêu đó?

UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo “Mô hình thành phố thông minh và các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước”

1. "Văn minh là sự kết hợp đầy đủ các yếu tố tiên tiến tại thời điểm xét đến để tạo nên, duy trì, vận hành và tiến hoá xã hội loài người". Từ định nghĩa này có thể hiểu "văn minh" là sự phát triển tốt đẹp của một xã hội cả về văn hóa vật chất và tinh thần. Các tiêu chí này có thể áp dụng cho một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một lĩnh vực kinh tế, xã hội, một gia đình, một cá nhân, một lối sống...

Để một thành phố, đô thị trở nên văn minh, các cấp chính quyền và người dân phải phấn đấu thực hiện những tiêu chí "cứng" và "mềm". Hệ thống tiêu chí "cứng" là cái khung nhằm bảo đảm định hướng về phát triển đô thị và những bước cải tạo, nâng cấp một số lĩnh vực mà nếu cứ "xếp hàng tuần tự " thì sẽ không thể nào vượt lên, thoát khỏi hiện trạng lạc hậu, thiếu văn minh. Tiêu chí "cứng" vừa có tính chiến lược trong việc thực hiện lâu dài, liên tục lại vừa có tính bức xúc phải ưu tiên giải quyết ngay trong cuộc sống người dân đô thị. Từ những tiêu chí định hướng đó, các ngành chức năng sẽ đưa ra những chương trình trọng điểm, những giải pháp tích cực để đầu tư tập trung giải quyết. Ví dụ như Hà Nội tập trung giải quyết vấn đề nhà ở, thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề kẹt xe, ngập lụt do triều cường.

Còn những tiêu chí "mềm", nói khác là chi tiết hóa các tiêu chí "cứng" để có thể vận dụng linh hoạt theo hoàn cảnh cụ thể của địa phương, ngành... Các nhà xã hội học đã đưa ra hơn 20 tiêu chí như: Cải cách hành chính và chỉ số hài lòng người dân; Giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội... phải đạt ở mức độ nào thì mới gọi là đô thị văn minh. Các tiêu chí đó được gom lại thành 6 nhóm: Môi trường chính trị và quản lý nhà nước; Môi trường kinh tế; Môi trường văn hóa xã hội; Môi trường y tế giáo dục; Môi trường hạ tầng kỹ thuật; Môi trường tự nhiên.

Trong quá trình xây dựng đô thị văn minh ở nước ta nhìn vào 6 nhóm trên, nhóm nào cũng có "vấn đề bức xúc" cần phải được đầu tư, xem xét điều chỉnh, nhưng xin đơn cử ví dụ thuộc nhóm Môi trường văn hóa xã hội mà cụ thể là một phương tiện truyền thông hệ thống thông tin phường.

Từ lâu trong dân thường ví von một người hay nói to, cãi vã, gây ồn ĩ "như cái loa phường". Tôi tìm hiểu một số người dân đủ lứa tuổi sống tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hầu hết đều cho rằng, không lắng nghe để tiếp nhận thông tin từ loa truyền thanh phường và cảm thấy bị làm phiền, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, học tập và nghỉ ngơi. Có những gia đình kinh doanh,1-2 giờ sáng dọn dẹp xong mới đi ngủ, sáng sớm đã bị loa phường đánh thức. Nhà nào ở gần vị trí đặt loa dù đóng kín cửa vẫn nghe ầm ĩ, chát chúa, gây mệt mỏi, nhức đầu và gây bực bội cho mọi người. Có gia đình mới sinh con, mẹ con đều ít ngủ lại bị tiếng loa đánh thức đã phải rời nơi ở khác, đi thuê phòng trọ cách xa đó. Cuộc sống thành thị, nhiều người làm việc khuya, ngủ muộn nên cũng dậy muộn. Hàng ngày họ phải chịu đựng biết bao âm thanh ồn ào hỗn tạp từ tiếng xe cộ, tiếng máy móc…vậy mà sáng sớm đã bị đánh thức vì tiếng loa. Không chỉ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà cả ở Bình Dương, bạn Phan Thị Hoàng Trang ở trung tâm thành phố mới Bình Dương cũng lên tiếng: "Tôi thường ngày hai lần chịu sư tra tấn của loa phường. Bây giờ sóng điện thoại phủ kháp nơi rồi, đâu đâu cũng có TV, báo đài và internet thì việc dùng loa trở thành " rác âm thanh" làm ô nhiễm môi trường".

Không ai phủ nhận hệ thống loa truyền thanh phường, xã đã có những đóng góp vào việc thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông báo nhanh việc chính quyền cơ sở cần triển khai, phổ biến đến mỗi người dân. Nhưng ngày nay, người dân có rất nhiều kênh thông tin để lựa chọn nên phương thức thông tin, tuyên truyền bằng loa truyền thanh phường trở nên bất cập, được coi là "cưỡng bức nghe" xâm hại tới quyền tiếp nhận thông tin của dân và gây ô nhiễm tiếng ồn.

Thiết nghĩ, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) nên điều chỉnh mô hình hoạt động của thông tin cơ sở. Ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn cần, nhưng ở đô thị không nên duy trì hệ thống loa truyền thanh phường. Phường nào cũng có bảng tin, hãy phát huy nó có hiệu quả hơn, và tăng thêm các bảng tin điện tử một phương tiện thông tin rất văn minh. Phương tiện này chi phí đắt hơn so với hệ thống loa truyền thanh, nhưng có thể bù lại bằng nguồn thu từ quảng cáo.

2. Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh. Như Singapore không chỉ xây dựng thành phố thông minh mà từ năm 2014 đã có kế hoạch xây dưng "Quốc gia thông minh", Ấn Độ cũng đã có kế hoạch xây dựng 100 thành phố thông minh. Nhận thức được xu thế phát triển này, tại Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, đã đặt mục tiêu phát triển 3 đô thị thông minh tại Việt Nam. Gần đây một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Cần Thơ... đã có sự chủ động, tích cực trong việc xây dựng Đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2016-2020. Đô thị thông minh là khái niệm rộng lớn và được hiểu theo cách khác nhau. Có lẽ vì thế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT&TT cần phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan để xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Nhân đây cũng xin được góp ý nhằm xây dựng các tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh: Hơn 20 tiêu chí "cứng" và "mềm" ví như: Giao thông thuận lợi; Điều kiện cư trú tốt (thuộc nhóm môi trường hạ tầng kỹ thuật) trong xây dựng đô thị văn minh, cũng có thể là tiêu chí xây dựng đô thị thông minh. Nhưng điều khác biệt nhất là đô thị thông minh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các cảm biến, như: Dùng cảm biến để quản lý đèn đường, qua đó giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng; Dùng cảm biến để theo dõi rò rỉ nước sạch chống thất thoát nước; Dùng cảm biến để quản lý các chung cư, mà trong đó có những ngôi nhà thông minh, ví như Tập đoàn công nghệ BKAV đã lắp đặt các thiết bị SmartHome trong những ngôi nhà thuộc một số khu đô thị ở Hà Nội, Sài Gòn, Bình Dương.

Hay nói cách khác, để đánh giá một thành phố có thông minh hay không, hoặc xếp hạng nào phải dựa trên mức độ ứng dụng công nghệ thông tin thuộc các lĩnh vực quản trị, giao thông, y tế, xây dựng, năng lượng, môi trường... Từ đó các nhà quản lý thấy hạng mục nào cần ưu tiên, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh được lãng phí, thất thoát.

Các thiết bị và ứng dụng tạo ra dữ liệu như cảm biến, camera giám sát... của một đô thị thông minh là nhằm thu thập thông tin cung cấp cho các nhà quản lý thấy rõ những yêu cầu của dân và giúp họ điều chỉnh cho thích hợp. Như thành phố Ngân Xuyên của Trung Quốc đã giảm lượng nhân viên cấp phép từ 600 xuống còn 50 người nhờ triển khai làm thủ tục từ xin giấy phép xây dựng nhà cho đến giấy phép lái xe qua mạng.

Kinh nghiệm thế giới mách bảo cho những thành phố ở Việt Nam có ý định hoặc đang xây dựng thành phố thông minh, trước hết phải tìm được nhà tư vấn công nghệ thông tin có khả năng, uy tín, khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ ở đó ra sao và công việc đầu tiên là xây dựng chính quyền điện tử. Đây cũng là tiêu chí số 1 của một thành phố thông minh. Ví như Tập đoàn BKAV đã giới thiệu, tư vấn cho tỉnh Bình Dương về mô hình kiến trúc chính phủ điện tử Bkav eGov. Làm như vậy là xác lập, đảm bảo cho những tiêu chí "cứng" hình thành vững chắc, làm nền tảng thực hiện các tiêu chí khác.

3. Dù xây dựng đô thị văn minh hay thông minh mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho cuộc sống người dân tốt hơn. Nhưng nếu không có người cung cấp thông tin, mô hình đô thị thông minh sẽ chẳng có tác dụng nhiều. Không thành phố nào trên thế giới có thể lắp đặt camera ở tất cả mọi ngõ ngách và điện tử hóa mọi công trình hạ tầng. Để "tai mắt" của chính quyền có thể bao quát một thành phố văn minh, thông minh đều phải dựa vào người dân. Người dân vừa là người thụ hưởng nhưng cũng là người đóng góp xây dựng, phát triển các loại dịch vụ, thông qua việc sử dụng, phản hồi thông tin cho dịch vụ đó. Vì thế người dân cũng phải có trách nhiệm, trung thực trong thông tin phản hồi, phải tự điều chỉnh mọi hành vi của mình sao cho có văn hóa. Chẳng hạn, khi tham gia giao thông trong một đô thị văn minh không thể có sự chen lấn, bóp còi inh ỏi đòi vượt đường, khi tín hiệu đèn đỏ còn 2-3 giây nữa mới chuyển sang xanh. Rõ ràng là mỗi công dân phải có ý thức trách nhiệm hơn trong việc xây dựng một đô thị văn minh và càng cao hơn khi sống trong đô thị thông minh.

Theo Văn phòng Chính phủ

Đối tác