Bình Dương hiện trạng và tương lai một thành phố đáng sống

Những năm gần đây, Bình Dương là điểm sáng về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và nhanh chóng đô thị hóa. Nhiều dự án có quy mô lớn được hình thành và hoạt động đã tạo ra diện mạo của một đô thị mới, hiện đại, tiêu biểu nhất là dự án Thành phố mới Bình Dương. Đó chính là tiền đề, là cơ sở, động lực để Bình Dương hướng đến một thành phố đáng sống.

 

Bình Dương đang phấn đấu hướng đến một thành phố đáng sống. Trong ảnh: Một góc trung tâm Thành phố mới Bình Dương hiện nay.

Dự án phát triển đô thị tiêu biểu
Trong hàng trăm dự án đã triển khai thực hiện, Bình Dương luôn được cả nước khen ngợi và đến tham quan học tập là dự án phát triển đô thị tiêu biểu Thành phố mới Bình Dương. Thành phố mới Bình Dương là một dự án lớn với quy mô lên đến 1.000 ha. được triển khai thực hiện rất nhanh trên nền ý tưởng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương, cùng Viện Nghiên cứu thiết kế thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Khi hình thành, Thành phố mới Bình Dương sẽ là nơi hội tụ, thu hút trí tuệ với nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, là cửa ngõ kết nối quốc tế và giao lưu thương mại, dịch vụ cũng như trao đổi, chuyển giao công nghệ ở trình độ khoa học tiên tiến nhất.

Triển khai thực hiện thuận lợi, dự án Thành phố mới Bình Dương nhanh chóng trở thành hiện thực. Và từ đây, hình dáng một đô thị hiện đại được đưa vào hoạt động, với nhiều công trình tiêu biểu đã đưa vào sử dụng như Khu thể dục thể thao Thành phố mới Bình Dương, nhà ở xã hội, tòa nhà Lucky Square, trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường Đại học Việt Đức, siêu thị, chợ...


Để trở thành một thành phố đáng sống, Bình Dương nỗ lực quan tâm đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh:Một tuyến đường vào Thành phố mới Bình Dương được đầu tư xây dựng khang trang.

Tiến sĩ Hà Thục Viện, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức còn cho rằng, đến năm 2020, khi Thành phố mới Bình Dương trở thành quận trung tâm trực thuộc thành phố Bình Dương thì ngoài Khu trung tâm hành chính tập trung, Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học, sẽ có các hạng mục Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao, Trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán, Văn phòng cho thuê, nhà hàng- khách sạn cao cấp, các khu phục vụ cộng đồng, các công trình hạ tầng kỹ thuật... Các hạng mục này theo dự kiến sẽ đáp ứng cho 125.000 người dân và 400.000 người thường xuyên đến làm việc.

Đến đột phá về chiến lược
Sau 5 năm quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Bình Dương đã có những đột phá về chiến lược, góp phần thay đổi từ quản lý hành chính đô thị đến chuyển đổi các vùng nông thôn sang đô thị. Các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên đã trở thành thị xã; TP.Thủ Dầu Một cũng chính thức được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Chính thay đổi này đã làm cho số dân đô thị tăng đột biến từ 512.000 người vào năm 2010 tăng lên 1,3 triệu người vào năm 2013 và trở thành tỉnh có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa đạt mức rất cao so với bình quân cả nước.

Trước mức tăng trưởng dân số cao, Bình Dương đã có những quyết sách đúng đắn để gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Trong gần hai thập niên qua, cùng với tăng trưởng GDP luôn ở mức cao (trung bình 14%/năm), cơ cấu kinh tế của Bình Dương đã có những bước chuyển dịch nhanh chóng theo chiều hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ (đến năm 2015 cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ lệ ứng là 60% - 37,3% - 2,7%); trong đó giá trị sản xuất công nghiệp luôn tăng và đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, góp phần thu hút nguồn lao động ngoài tỉnh dồi dào, chủ yếu là lao động trẻ, lao động phổ thông đến Bình Dương.

Bên cạnh thuận lợi, trong quá trình thực hiện, Bình Dương xác định vẫn có nhiều thách thức: Thách thức về nhà ở xã hội, thách thức về thu hút nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao... Trong thực tiễn, về chiến lược, Bình Dương đã xây dựng đồ án quy hoạch xây dựng đô thị Bình Dương, đã được phê duyệt năm 2012 và đề ra mục tiêu đến năm 2020. Như vậy, 5 năm nữa, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với dân số khoảng 2,5 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa đạt 85%. Điều đó có nghĩa là bên cạnh phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho số dân hiện tại và mỗi năm Bình Dương còn đáp ứng thêm nhu cầu cho khoảng 100.000 người tăng thêm. Vì vậy, chất lượng sống cho người dân trong tỉnh là một thách thức lớn trong quá trình đô thị hóa trong thời gian tới đối với Bình Dương.

Quan trọng hơn nữa là dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, Bình Dương đã diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất mạnh mẽ. Đất nông nghiệp giảm mạnh còn khoảng 208.000 ha vào năm 2014, trong khi đó đất phi nông nghiệp tăng nhanh lên đến 61.000 ha. Trong quá trình chuyển đổi này, có thể thấy vai trò các dự án phát triển rất lớn, với quy mô được quy hoạch là 12.000 ha dành cho các dự án xây dựng công trình và gần 8.600 ha dành cho dự án khu, cụm công nghiệp. Rõ ràng, xu hướng chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đai như vậy sẽ ảnh hưởng tới sự cân bằng về môi trường của Bình Dương. Chính vì thế, Bình Dương đang vượt qua thách thức và phấn đấu thực hiện hướng đến một thành phố đáng sống.

Hướng đến một thành phố đáng sống
Thành phố đáng sống là một thành phố thông qua việc quy hoạch tốt nhằm cung cấp một môi trường sống sôi động, hấp dẫn và an toàn cho người dân sống, làm việc và giải trí. Thành phố này cũng có được sự quản trị tốt, một nền kinh tế đầy tính cạnh tranh, chất lượng cuộc sống cao và bền vững về môi trường.

Với lợi thế về vị trí địa lý và nằm kề TP.Hồ Chí Minh, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với chính sách phát triển hợp lý, Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc và trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của cả nước. Trên cơ sở đó, Bình Dương nên chăng đề ra một số định hướng chung để bảo đảm thực hiện được mục tiêu thành phố đáng sống, đón đầu xu thế phát triển đô thị trong tương lai. Cụ thể là xây dựng một thành phốvăn minh, hiện đại như mục tiêu tổng quát mà dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra: Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư nông nghiệp gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020; trong đó môi trường sống tốt, yếu tố con người và đổi mới cơ chế quản lý là những yếu tố cốt lõi, quan trọng để Bình Dương hướng đến một thành phố đáng sống.
 
Theo Báo Bình Dương.

Đối tác